1. GIỚI THIỆU CHUNG
Hệ thống thông tin quản lý (HTTTQL) là ngành học về con người, tổ chức, kỹ thuật và mối quan hệ giữa các yếu tố này. Khi công nghệ càng phát triển thì nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này càng gia tăng. Các chuyên gia HTTTQL giúp doanh nghiệp nhận ra lợi ích tối đa từ việc đầu tư vào con người, thiết bị và quy trình nghiệp vụ. Hệ thống thông tin quản lý giúp các tổ chức đạt được hiệu quả cao thông qua hệ thống kỹ thuật, phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong doanh nghiệp và các chuyên gia công nghệ thông tin, lãnh đạo, quản lý dự án, dịch vụ khách hàng, thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn.
Trường Đại học CNTT hướng đến mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực nắm vững kiến thức cơ bản về quản lý và kinh doanh, tin học và hệ thống thông tin; có kiến thức chuyên sâu và kĩ năng nghề nghiệp về phân tích, thiết kế, vận hành, quản trị các HTTTQL – kinh doanh; có năng lực tổng hợp, phân tích thông tin, trợ giúp hoạch định và tổ chức thực thi các chính sách, dự án về phát triển và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các tổ chức, doanh nghiệp.
Chương trình chất lượng cao hướng đến chất lượng đầu ra của sinh viên, với số lượng dưới 40 sinh viện/lớp nên giảng viên và cố vấn học tập dễ dàng theo sát quá trình học tập của từng sinh viên.
Sinh viên tốt nghiệp chương trình, sinh viên đáp ứng các chuẩn đầu ra cụ thể như sau:
1.1 Kiến thức:
– Kiến thức về giáo dục thể chất, luật pháp nói chung và đường lối, chính sách và định hướng phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam qua các giai đoạn.
– Nắm vững kiến thức khoa học cơ bản và vận dụng vào chuyên ngành.
– Nắm vững kiến thức kiến thức nền tảng, nâng cao về hệ thống thông tin, thương mại trực tuyến dựa trên máy tính và vận dụng vào thực tiễn nhằm hỗ trợ các hoạt động tác nghiệp và quản lý trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chứng tỏ được sự hiểu biết và lựa chọn là phù hợp với đương thời.
– Kiến thức quản lý đề án CNTT và vận dụng vào thực tiễn.
– Kiến thức cơ bản về mạng máy tính và an toàn dữ liệu của một hệ thống thông tin.
– Kiến thức về hoạt động doanh nghiệp và quản trị kinh doanh (ERP, BPM, các giải pháp sử dụng CNTT để nâng cao sức cạnh tranh, khả năng phát triển, quản lý doanh nghiệp,..)
– Trình độ Anh văn đạt từ TOEIC 450; TOEFL iBT45; TOEFL ITP 430, IELTS 4.5; BULATS 47 hoặc tương đương.
1.2 Kỹ năng:
– Vận dụng các kiến thức, kinh nghiệm để phân tích, tổng hợp, đánh giá, và lập giải pháp cho các vấn đề trong lĩnh vực CNTT, thương mại điện tử, kỹ năng tư duy hệ thống, thiết lập các mục tiêu khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.
– Phân tích, thiết kế các quy trình nghiệp vụ ứng dụng hệ thống thông tin.
– Lập trình phần mềm ứng dụng.
– Tổ chức tri thức và khám phá tri thức trên các lĩnh vực quản lý, kinh doanh, thương mại,.
– Tự học các kiến thức bổ trợ để phục vụ cho hướng công việc tương lai.
– Giao tiếp xã hội, kỹ năng làm việc nhóm với tác phong chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp tốt, khả năng điều hành nhóm công tác, chủ động trong công việc.
– Làm việc trực tiếp bằng tiếng Anh trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
1.3 Thái độ
– Ý thức được vai trò, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong xã hội, thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn và khả năng nhận thức, đánh giá các hiện tượng một cách logic và tích cực.
– Nhận thức về sự cần thiết và khả năng tham gia vào việc học tập suốt đời, hiểu được tác động của các công nghệ mới trong bối cảnh xã hội, kinh tế toàn cầu.
2. TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH
– Nâng cao chất lượng đào tạo trên cơ sở tổ chức lớp học với số lượng hạn chế trong khoảng 30-40 sinh viên để dễ truyền đạt kiến thức, dễ quản lý đến từng sinh viên và nâng cao chất lượng thông qua việc ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giảng viên giỏi và áp dụng phương pháp dạy – học tiên tiến.
– Có ít nhất 05 môn học được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh hoặc song ngữ (Anh-Việt), chiếm khoảng 10 – 20% số tín chỉ của toàn bộ chương trình. Mỗi năm đều được bố trí ít nhất một môn học bằng tiếng Anh hoặc song ngữ, sử dụng giáo trình và tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh.
– Phòng học và phòng thí nghiệm (lab) được trang bị các phương tiện giảng dạy hiện đại (máy lạnh, máy chiếu, máy tính), quy mô lớp học thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế (30-40 sinh viên). Ngoài phòng lab chung của trường còn có Phòng thí nghiệm HTTT riêng với các thiết bị đặc trưng cho ngành HTTT.
3. TUYỂN SINH
– Năm 2015 thí sinh muốn thi vào UIT sẽ thi kỳ thi THPT Quốc gia để lấy điểm xét tuyển vào UIT.
– UIT tuyển sinh các môn khối A & A1 ( năm 2015 không nhân hệ số môn Toán)
– Tuyển thẳng: Các học sinh giỏi là thành viên đội tuyển quốc gia hoặc đạt giải nhất, nhì các môn Toán, Lý, Tin học trong các kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 toàn quốc.
– Tiêu chuẩn xét tuyển:
+ Xếp loại hạnh kiểm học kỳ 1 năm lớp 12 phải đạt loại khá trở lên
+ Điểm trung bình tống cộng 5 học kỳ ( lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) đạt 6.5 trở lên.
Thí sinh có thể xem thêm các thông tin khác tại trang : https://tuyensinh.uit.edu.vn/intro/
4. GIẢNG VIÊN
– 75% giảng viên là có trình độ tiến sĩ trở lên
– Các chuyên gia hàng đầu từ các doanh nghiệp.
5. BẰNG CẤP
– Bằng kỹ sư Công nghệ thông tin ngành Hệ thống thông tin thuộc chương trình Chất lượng cao, do Đại học CNTT cấp.
6. CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SINH VIÊN
• Nghiên cứu khoa học với mức kinh phí cho khởi nghiệp nghiên cứu, triển khai các ứng dụng hàng năm cho các sinh viên xuất sắc với mỗi đề tài 5 đến 15 triệu đồng.
• Thông báo tình hình học tập sinh viên đến phụ huynh hàng tháng.
• Được mượn thiết bị thực hành ngoài giờ tại phòng thí nghiệm.
• Được học thêm những lớp tiếng Anh tăng cường dành riêng cho sinh viên chất lượng cao.
• Được ưu tiên tham gia các hoạt động ngoại khóa, CLB học thuật hay tham quan doanh nghiệp do Khoa và trường tổ chức.
• Được hỗ trợ tham gia các cuộc thi học thuật toàn quốc và quốc tế liên quan đến lĩnh vực Kỹ thuật Máy tính.
• Có xe đưa rước sinh viên từ trung tâm đến trường ở Thủ Đức và ngược lại.
7. CƠ HỘI HỌC TẬP VÀ VIỆC LÀM
Trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, vị thế công việc cao. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên được tạo điều kiện để học tiếp Sau Đại học hoặc làm việc cho các công ty, tổ chức trong và ngoài nước.
Sinh viên tốt nghiệp Chương trình đào tạo tiên tiến Kỹ sư Hệ thống thông tin có thể làm việc ở những phạm vi và lĩnh vực khác nhau như:
1) Chuyên viên phân tích, thiết kế, cài đặt, kiểm thử, bảo trì các dự án công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu ứng dụng khác nhau của cơ quan và doanh nghiệp (hành chính sự nghiệp, ngân hàng, viễn thông, hàng không, xây dựng,…).
2) Giám đốc thông tin (CIO), cán bộ quản lý dự án, quản trị viên cơ sở dữ liệu.
3) Cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ thông tin ở các Viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu của các Bộ, Ngành, các trường đại học, cao đẳng, phổ thông.
Có thể làm việc với vai trò là một chuyên viên lập dự án, hoạch định chính sách phát triển CNTT hoặc một lập trình viên trong các công ty sản xuất, gia công phần mềm trong và ngoài nước, các công ty tư vấn đề xuất giải pháp, xây dựng và bảo trì các dự án công nghệ thông tin.
Ngày hội việc làm Khoa HTTT quy tụ nhiều doanh nghiệp với hơn 1000 sinh viên tham gia
Hoạt động tham quan tìm hiểu môi trường làm việc tại các doanh nghiệp đem lại rất nhiều điều thú vị và học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn về môi trường làm việc thực tế.
CÁC ĐỐI TÁC KHOA HTTT: